SSI: GDP Việt Nam có thể tăng 7% trong năm 2022
Ảnh minh hoạ.
Theo SSI, dữ liệu kinh tế quý II/2022 cho thấy nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2022 là 7,0% (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) nhờ mức nền thấp của năm 2021.
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ đầu năm 2022 được ghi nhận bởi xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Google liên quan đến du lịch Việt Nam (trong nước và quốc tế) ngày càng tăng.
Do vậy, SSI cho rằng nhu cầu đối với lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong Quý 3 khi sẽ đây là mùa cao điểm du lịch.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa sẽ được thúc đẩy bởi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên với tốc độ có thể sẽ chậm lại từ quý IV, do chi phí sinh hoạt và giá năng lượng và hàng hóa tăng nhanh.
Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023
Sau khi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, bao gồm hai dự án đường vành đai ở Hà Nội và TP HCM, và một số tuyến đường cao tốc.
SSI cho rằng đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022, và trong đó việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên.
Trên thực tế, thông qua các văn bản pháp luật được công bố trong thời gian gần đây, Chính phủ đang đặt mục tiêu sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp cho các dự án nêu trên trước quý 2/2023, phần còn lại bàn giao vào quý 4/2023.
Hơn nữa, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Chính phủ cũng sẽ áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu, cũng như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, và những điều này thể hiện một quyết tâm chính trị rất lớn.
Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nhưng có thể ở mức độ vừa phải hơn so với các quốc gia khác
SSI dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam vào khoảng 3,5% vào năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của Chính phủ và so với mức lạm phát được dự báo các quốc gia khác. Tuy nhiên, lạm phát tại thời điểm cuối quý 4 có thể sẽ tăng lên 5% so với cùng kỳ và thậm chí sẽ cao hơn trong quý 1/2023 trước khi hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm 2023.
Trên thực tế, mặc dù lạm phát tại Việt Nam đang tăng dần (dưới áp lực từ chi phí xăng dầu) nhưng với tốc độ chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác, phần nào nhờ vào nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào trong nước.
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng lạm phát toàn phần gia tăng chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao đẩy giá cả thực phẩm tăng lên theo. Trong khi đó, lạm phát do cầu kéo vẫn duy trì ở mức thấp.
Năm 2023, áp lực lạm phát còn đến từ việc điều chỉnh giá của các dịch vụ do Chính phủ quản lý (như giá điện, y tế và giáo dục) sau 2 năm bị trì hoãn. Mục tiêu lạm phát trung hạn được kỳ vọng vẫn giữ vững trong kỳ vọng của Chính phủ (4%) và không bị ảnh hưởng bởi những biến động giá trong ngắn hạn.
Bên cạnh áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ là tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022, do mục tiêu điều hành của NHNN là sự cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng. SSI cho rằng, NHNN sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD. Tiền Đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, NHNN cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các NHTM trong nửa cuối năm nay.
SSI dự báo trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15% -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thị trường bất động sản hạ nhiệt
Các động thái mang tính thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản từ phía Chính phủ (liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan không rõ mục đích sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích vốn vay ngân hàng) được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, theo SSI, việc thiếu vắng những hướng dẫn cụ thể trong triển khai có thể dẫn tới khó khăn cho thị trường bất động sản, do trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng và nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhà đầu tư khi môi trường kinh doanh chuyển từ quá nóng sang quá lạnh.
SSI cũng chỉ ra một số rủi ro đối với thị trường bất động sản, bao gồm: (1) Tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn đối với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà (do lãi suất tăng, và ít có khả năng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng); (2) kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn sôi động như trước; (3) nhu cầu đối với bất động sản nhà ở có thể suy yếu khi lãi suất cho vay tăng; (4) tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản (tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023) có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.
Kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2023
Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023, SSI đưa ra 3 kịch bản.
Kịch bản khả quan được đưa ra là triển vọng hạ cánh mềm cho nền kinh tế toàn cầu, xung đột Ukraine-Nga kết thúc vào năm 2022 và Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid. Trong nước, Việt Nam thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023, với giải ngân đầu tư công cải thiện mạnh so với năm 2022. Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 7% trở lên.
Trong kịch bản cơ sở, nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” (nhưng không phải là một cuộc suy thoái kéo dài), căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt đáng kể, trong khi giãn cách xã hội tại Trung Quốc được nới lỏng dần. Theo đó, GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,3-6,5%.
Trong kịch bản kém khả quan, nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” và cuộc suy thoái kéo dài; cần thêm thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu. Trong nước, chiến dịch lành mạnh hoá nền kinh tế tiếp tục diễn ra, làm trì hoãn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn so với tiềm năng. Theo đó, GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,5-6%.
Nguồn : Anh Mai